Sức ép giảm giá hàng nhập
Sau nhiều tháng trì hoãn với lý do phải có “độ trễ”, một số nhà cung cấp đã chịu giảm giá bán vài mặt hàng tiêu dùng.
Cùng với sức ép từ giá USD, các yếu tố cạnh tranh, kích cầu tiêu thụ cũng khiến doanh nghiệp kinh doanh hàng nhập khẩu phải tính toán lại phương án giá bán.
Chủ động giảm giá
Đa số siêu thị, cửa hàng chuyên bán đồ điện tử ở TP.HCM cho biết giá các mặt hàng này biến động từng ngày. Nguyên nhân do các nhà cung cấp chủ động điều chỉnh giá tăng/giảm tùy mặt hàng, hoặc để cạnh tranh với các nhà phân phối khác dựa trên tỉ giá USD niêm yết đầu ngày. Nhân viên một siêu thị máy tính và hàng điện tử trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM cho biết rất khó để rạch ròi giá các sản phẩm đã được điều chỉnh theo mức tỉ giá hiện nay so với thời kỳ đỉnh điểm trên 22.600 đồng/USD, bởi một số mặt hàng giảm khá mạnh do giá hàng nhập khẩu giảm.
Chẳng hạn một chiếc tai nghe dùng cho máy tính, mp3... nhập khẩu từ Trung Quốc hồi đầu năm có giá 120.000 đồng hiện chỉ còn khoảng 106.000 đồng, giảm hơn 10.000 đồng/sản phẩm so với mức giá đưa ra so sánh hồi đầu năm. Theo những người bán, giá bán giảm chủ yếu ở mặt hàng linh kiện điện tử, điện thoại di động...
Trong khi đó, hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm đã chủ động giảm giá bán sỉ sau khi trì hoãn một thời gian khá dài. Hàng nhập trong tháng 4, tháng 5 vừa qua đang được các doanh nghiệp đưa ra thị trường. Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (Q.8, TP.HCM), giá bán sỉ mặt hàng thịt heo đông lạnh, thịt gà đông lạnh đã giảm 5.000-7.000 đồng/kg so với hồi đầu năm. Ông Đoàn Ngọc Thơ, giám đốc Công ty THO (TP.HCM), cho biết trên thực tế giá bán sỉ hiện nay đã giảm khoảng 15% so với cuối tháng 6-2011.
“Tỉ giá chỉ giảm được 7-8% nếu tính theo chênh lệch tỉ giá hiện nay với tỉ giá trên thị trường tự do ở những lúc cao nhất, hơn nữa doanh nghiệp cũng thường xuyên mua được USD từ ngân hàng nên mức giảm giá như trên không hoàn toàn nhờ tỉ giá mà còn do doanh nghiệp chủ động” - ông Thơ cho biết. Theo các doanh nghiệp, mặt hàng thực phẩm nhập khẩu đang có nhiều yếu tố để giảm giá. Nếu doanh nghiệp vẫn “neo” giá ở mức cao như trước sẽ rất dễ mất thị trường.
Giá có giảm khi đến tay người tiêu dùng?
Tương tự, các mặt hàng nông sản, mỹ phẩm, nước uống được nhiều nhà nhập khẩu khẳng định đã giảm giá. Ông Nguyễn Vũ, chuyên kinh doanh hàng hóa mỹ phẩm nhập khẩu từ Malaysia về TP.HCM, cho biết do trước đây gần như phải mua toàn bộ USD ở thị trường tự do để nhập hàng nên khi giá USD giảm lại, chắc chắn giá bán trong nước phải giảm theo.
Tuy nhiên, gần đây chi phí vận chuyển tăng nên khi bỏ sỉ chỉ giảm được khoảng 4-5% giá các loại sữa tắm, dầu gội... so với mức giá trung bình của quý 1 năm nay, trong khi bỏ sỉ cho các cửa hàng tạp hóa, các sạp hóa mỹ phẩm tại chợ lẻ lại không thể kiểm soát được giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng có giảm hay không.
Riêng đồ chơi trẻ em - mặt hàng có tới hơn 90% nguồn gốc nhập khẩu - theo nhận định của các tiểu thương “giá bán đã được điều chỉnh đáng kể”. Bà Thu Lệ, bán hàng đồ chơi trẻ em ở chợ Bình Tây (Q.6), cho biết các nhà cung cấp đồ chơi trẻ em đã chủ động giảm giá nhiều loại ôtô, xe mô hình, thú nhồi bông... từ gần một tháng nay với mức giá bán sỉ và bán lẻ đều được giảm 2.000-3.000 đồng/sản phẩm đối với những loại đồ chơi có giá dưới 50.000 đồng/sản phẩm. Các loại đồ chơi giá cao hơn cũng giảm 6-7% giá bán. |